Em có về Tam Cốc quê tôi?!

‘Ai đẽo đá để thành Tam Cốc Ai khơi nguồn để nước trong ngần Ai đắp bến để thuyền em xuôi ngược. Mình quen nhau Tam Cốc Ninh Bình.’

Giới thiệu chung về Tam Cốc

Hoa Lư - Tam Cốc là điểm tham quan nổi tiếng của Ninh Bình. Có địa chỉ tại xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, Tam Cốc là một trong những di tích quốc gia đặc biệt và đã được tổ chức UNESCO xếp hạng di sản thế giới. Tam Cốc, có nghĩa là ‘ba hang’, bao gồm hang Cả, hang Hai và hang Ba.

Tam cốc: Ba hang xuyên thủy đẹp như một bức tranh

Tam cốc: Ba hang xuyên thủy đẹp như một bức tranh. Nguồn: Internet

Hang Cả

Hang Cả có chiều dài là 127m, oằn mình xuyên qua hẳn một quả núi lớn. Cửa hang rộng trên 20m. Chỉ lang thang ngoài cửa hang thôi cũng có thể cảm nhận được luồng khí mát lạnh xuyên qua người. Có nhiều nhũ đá rủ nhau ‘cùng ngó xuống’ với muôn hình dáng vẻ.

Hang Hai

Hang Hai, cách hang Cả gần 1km, cũng không xa lắm, đủ thời gian để các du khách bất thần, ngỡ ngàng lại định hình rằng mình vừa đi qua một ‘cánh cổng trời’ nào vậy.

Hang Ba

Hang Ba, chắc chắn là gần hang Hai rồi, dài 50m. Trần hang theo miêu tả chung của mọi người thì đó như một vòm đá, với nhiều nhũ đá tranh nhau ngó xuống.

Chùa Bích Động hay còn gọi là chùa Hạ

Chùa Bích Động hay còn gọi là chùa Hạ. Nguồn: Internet

Đi thuyền trên Tam Cốc

Muốn chiêm ngưỡng được Tam Cốc, các du khách phải bắt đầu từ bến trung tâm. Thuyền sẽ đưa du khách bồng bềnh trên dòng sông Ngô Đồng. Đó là một con sông nhỏ chảy từ vùng đầm trũng trong lòng hệ thống núi đá vôi. Thật kỳ lạ là sông Ngô Đồng không có bờ sông, nó là những áng nước hài hòa giữ cánh đồng mênh mông,  liếc mắt nhìn sang hai bên, du khách có thể bắt gặp ngay những vách núi đá vôi mang trong mình lịch sử lâu đời, với những ‘pha biểu diễn’ phức tạp. Thấp thó trong đó là cánh đồng lúa dưới cái nắng vàng oi ả đang nằm len lỏi, e thẹn như nàng dâu mới về nhà chồng. Ôi! chỉ con sông nhỏ thôi mà đã thơ thẩn tình người!.

Những con thuyền khéo léo chèo mình uốn lượn dưới đôi bàn tay gầy guộc đầy nghệ sĩ của bác lái đò xuyên qua các vách núi. Tuổi bác cũng đã 70 mà trông còn ‘thanh niên’ lắm, bác bảo: ‘nhắm mắt tôi cũng đưa được các ông bà đi, nhưng cảnh vật thế này thì tội gì mà nhắm mắt’, rồi nheo nheo đôi mắt nở nụ cười để lộ hàm răng đen vì nhai trầu. Ôi sao đến cả bác lái đò thôi mà cũng thân thương say đắm lòng người thế này!

Mùa xuân về trên Tam Cốc

Mùa xuân về trên Tam Cốc. Nguồn: Internet

Chiếc thuyền nhỏ cứ nhẹ nhàng thả mình trôi trên dòng sông, còn du khách thì cứ lặng mình hòa vào giữa muôn vàn cảnh đẹp sông nước Tam Cốc. Thi thoảng bất chợt có vị khách nghiêng mình soi bóng xuống dòng sông xanh, bất giác chợt thấy bóng mình hòa vào bóng núi rồi lại tan ra giữa những lăn tăn gợn sóng. Đâu đây, tiếng gió thoảng qua lúc trầm lúc cao hòa tấu với tiếng chim hót làm cho cảnh vật mơ màng mà thật nên thơ.

Tới hang Cả, bác lái đò cố tình chèo chậm chậm lại để cho mọi người có thể cảm nhận và ghi nhớ giây phút thấy mình như tan ra bởi không khí trong động mát vô cùng, có chút se lạnh của những giọt nước đọng trên các nhũ đá rơi xuống tanh tách. Có vị khách thản nhiên đưa tay ra hứng để uống như tìm lại đâu đó hương vị giọt sữa ngọt ngào thanh khiết đầu đời của mẹ ngày xưa.

Rời khỏi hang Ba, cũng là lúc ông mặt trời vui vẻ lùi mình về sau dãy núi, bỏ lại một cảnh chiều tà cuối hoàng hôn. Mà chẳng biết bỏ lại cho ai!.

Bỗng giật mình ngơ ngác, bên tai văng vẳng câu hát của bác lái đò: ‘Hãy ở lại làm dâu quê anh, có dòng sông xanh núi đá trập trùng, hãy ở lại cùng anh em nhé, miền quê anh Tam Cốc, mênh mông chiều nước Em có về, có về Tam Cốc quê tôi’.

Xem thêm các bài viết về Ninh Bình ở đây.

(Bản quyền thuộc về Incredible Vietnam Tours. Cần dẫn link khi trích dẫn nội dung từ website này).

2017-11-15