Văn hóa muôn màu tại các phiên chợ Sapa
Nguồn gốc tên gọi Sapa
Tên Sapa có nguồn gốc bắt nguồn từ tiếng Quan Thoại. Trong tiếng Quan Thoại phát âm Sapa có nghĩa là Sapá tức ‘bãi cát’ do ngày trước khi có thị trấn Sapa thì nơi đây chỉ là một bãi cát mà dân cư bản địa thường họp chợ. Năm 1991, sau khi tỉnh Lào Cai tái lập lại thì Sapa là một huyện của tinh này, trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng cả trong và ngoài nước.
Chợ Sapa họp khi nào
Đường lên Sapa du khách có thể chọn đi tầu hỏa hoặc ô tô giường nằm. Đi vào buổi tối thì sáng sớm đã đến Sapa rồi. Chợ Sapa chủ yếu là chợ của người H’Mông, người Dao, trước kia chợ chỉ họp 2 ngày thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, nhưng do nhu cầu buôn bán trao đổi, và du lịch ngày càng cao, nên chợ hiện họp tất cả các ngày trong tuần.
Món phở chua tại chợ phiên Bắc Hà
Chợ Sapa bán gì?
Vào phiên chợ, ngay từ sáng sớm, trên khắp mọi nẻo đường đã thấy những dòng người nhộn nhịp từ các bản nối tiếp nhau về chợ. Từng đoàn, từng nhóm, từng cặp, có khi chỉ là một người. Người thì gùi hàng, người thì dùng ngựa để thồ hàng, người thì xuống chợ bằng xe máy, hay chiếc xe đạp cũ mòn đôi lốp… Váy áo xúng xính như đi chơi hội, những chiếc cô xòe ra như nấm trên đầu các thiếu nữ người Mông, Dao.
Giữa không gian bao la, mênh mông của núi rừng, những con người nhỏ bé vô tư mua bán, trao đổi hàng hóa với nhau. Người mua gạo, kẻ đổi mắm, người mua rau, củ, quả, những quán nhỏ nghi ngút mùi khói bếp, chật cứng khách thưởng thức một số đặc sản vùng cao.
Sapa cũng có rất nhiều chợ lớn và đông đúc mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc vùng cao nơi đây.
Chợ Trâu Cán Cấu
Chợ Trâu Cán Cấu nằm ở lưng chừng con dốc Cán Chư Sử, thuộc xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai, Lào Cao, chợ thường họp vào thứ 7 mỗi tuần. Chợ được chia thành ba khu vực, trong đó khu rộng nhất là nơi bán gia súc, nhiều nhất là bán trâu. Khác với hình dung về một khu chợ ầm ĩ ồn ảo, nhưng chợ trâu Cán Cấu chỉ rì rầm thương lượng và đánh giá trâu của người mua, người bán. Những con trâu được chọn mua phải to, khỏe, sống lưng chắc, đôi sừng mở rộng và bụng thon như hình cá trắm. Giá mỗi con trâu ở chợ được bán với giá khoảng từ 6 đến 20 triệu đồng, tùy thuộc vào là trâu đen hay trâu trắng, trâu đực hay cái, đẹp mã hay không nữa. Bên cạnh đó còn rất nhiều khu hàng ăn hấp dẫn. Ngoài món thắng cố nổi tiếng và rượu ngô, còn có các món giống như phở dưới xuôi, có thể ăn với thịt hoặc chan với nước dùng hầm từ xương.
Chợ Cán Cấu. Ảnh: Internet
Chợ Cốc Ly
Chợ Cốc Ly thuộc xã Cốc Ly là chợ của đồng bào dân tộ sống ở phía tây bắc huyện Bắc Hà. Chợ chỉ họp một tuần một lần vào ngày thứ ba bên cạnh chiếc cầu treo bắc qua sông Chảy. Chợ được chia thành từng khu riêng bệt. Những mặt hàng chủ yếu là các loại rau quả, thảo dược, nấm hương, mộc nhĩ, mật ong, rượu ngô, gạo nương, đồ dùng gia đình, thổ cẩm, các loại vòng trang sức… Bên cạnh đó, khu bán gia súc cũng khá nhộn nhịp: Trâu, bò, lợn cắp nách, chó, ngựa, mèo…
Một gian hàng ẩm thực tại chợ Cốc Ly. Ảnh: Internet
Chợ Cao Sơn
Chợ Cao Sơn nằm trên địa phận xã Cao Sơn, Mường Khương, Lào Cai. Chợ Cao Sơn thu hút sự chú ý bởi nét đẹp của con người nơi đây, hàng hóa và phong cảnh thiên nhiên mơ mộng. Giữa không gian bao la, mênh mông của núi rừng, những gian hàng thổ cẩm như nổi bật hẳn lên, những con người nhỏ bé mà giản dị cứ vô tư cười đùa dù khách xem có mua hàng của họ hay không. Hương vị quyến rũ cùng làn khói trắng mờ nhạt nghi ngút bay lên từ những gian hàng ăn uống: mùi thơm ngầy ngậy của những chiếc chảo thắng cố từ thị trâu, thịt ngựa, thịt bò, hơi rượu ngô nồng nàn cay cay như len lỏi vào trong từng hơi thở…
Chợ Cao Sơn. Ảnh: Internet
Chợ phiên Bắc Hà
Chợ phiên Bắc Hà thuộc loại chợ lớn nhất vùng cao biên giới. Trên đường tới chợ, len lỏi qua những khu ruộng bậc thang, những bước chân trở lên vội vàng hơn để cho kịp xuống chợ bày hàng bán. Điểm ấn tượng nhất phiên chợ nơi đây chính là khu bán đồ trang sức, váy, áo, vài thổ cẩm và những chiếc gùi mây đựng duyên dáng. Bên cạnh đó là gian hàng với đầy đủ các loại dụng cụ cần thiết cho người dân tộc: Cày, cuốc, xẻng, dao các loại. Xen lẫn tiếng ồn ào của kẻ bán người mua, đâu đó những tiếng khèn, tiếng hát của các chàng trai trẻ như chào mời các cô gái.
Một góc chợ phiên Bắc Hà. Ảnh: Internet
Chiều dần buông xuống, chợ bắt đầu thưa khách dần, người đàn ông nồng nặc men rượu ngất ngưởng trên lưng ngựa, người phụ nữ dắt ngựa về bản có lẽ là những hình ảnh cuối cùng còn sót lại trong mỗi tâm trí du khách. Hãy đến Sapa một lần và tham gia vào các phiên chợ Sapa để cảm nhận được văn hóa muôn màu của các phiên chợ nơi đây.
Xem thêm các bài viết về Sapa ở đây.
(Bản quyền thuộc về Incredible Vietnam Tours. Cần dẫn link khi trích dẫn nội dung từ website này).