Rừng quốc gia Cúc Phương - Nhớ về một thuở hồng hoang

Rừng quốc gia Cúc Phương là một trong những điểm tham quan nổi tiếng của Việt Nam. ...‘Ơi Cúc Phương ơi! Chiều nay tôi đến thăm em bâng khuâng. Cho tôi ngủ lại cùng cỏ cây hoa lá rì rào. Bên em một lần để rồi xa nhớ mãi tình rừng xanh’…

Vị trí địa lý của rừng cúc gia Cúc Phương

Đi về phía nam thủ đô Hà Nội 120km, lọt thỏm mình vào dãy núi Tam Điệp có một mảnh đất thân thương mà một thời chưa có tên, một thời rừng cây non thành rừng đại ngàn, đó là rừng quốc gia Cúc Phương - Vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam.

BOOK TOUR THAM QUAN CÚC PHƯƠNG

Cúc Phương thuộc địa phận của ba tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa với tổng diện tích là 22.408 ha. Cùng với đó là nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ phú, sự đa dạng riêng biệt của hệ sinh thái nơi đây và cac giá trị văn hóa lịch sử.

Cúc Phương là môi trường cư trú của nhiều loài linh trưởng quý hiếm

Cúc Phương là môi trường cư trú của nhiều loài linh trưởng quý hiếm. Nguồn: Internet

Đến với Cúc Phương là đến với một bảo tàng thiên nhiên rộng lớn, một thế giới hoàn toàn khác biệt mà chắc chắn bạn không bao giờ hiểu hết được. Du khách được đắm mình chiêm ngưỡng những cây cổ thụ ngàn năm, các loài thực vật tồn từ khi rừng còn chưa có tên, những loài chim quý tuyệt đẹp…

Vẻ đẹp của rừng quốc gia Cúc Phương

Cúc phương đẹp nhất là vào mùa khô, khi mà những cơn mưa ầm ĩ ‘ngủ đông’. Những tia nắng vàng vọt chen lấn nhau xuyên qua từng ngọn cỏ kẽ lá. Dưới cái nằng vàng, đàn bướm nhỏ thi nhau chải chuốt khoác lên mình những bộ cánh sặc sỡ màu sắc nô nức nhảy múa. Chỉ cần nhẹ nhàng là bạn có thể chạm được vào chúng. Ánh nắng vàng thật, ấy vậy mà vẫn thoang thoảng những cơn gió nhẹ se se lạnh, đâu đây mùi hương ngây ngất của cỏ dại quyện lẫn vào những nhánh lan rừng nồng nàn mà e ấp.

Men theo cây cầu dẫn lối, đôi bên cây lá chen nhau cao thấp, thi thoảng giật mình vì bị côn trùng đốt. Đường còn xa nên cũng mặc kệ chẳng buồn ngoái lại nhìn xem đó là con muỗi, hay con gì. Đôi chân thoăn thoắt leo lên từng bậc đá dốc ngược, nhẵn thín. Vậy mà cũng dễ đến dăm chục bậc đá chứ chẳng vừa mới lên được tới cửa hang động - Động Người Xưa hay còn được người Mường gọi là hang Đắng.

Cây cối xanh ngắt ngút ngàn.

Cây cối xanh ngắt ngút ngàn. Nguồn: Internet

Động Người Xưa ở Cúc Phương

Tương truyền xa xưa kể lại động Người Xưa là di tích cư trú và mộ táng của người tiền xử. Động nằm trên núi đá vôi, dài 300m với hai tầng hang rất rộng. Từ cửa hang chính đi vào khoảng chừng 50m thì rẽ phải, trên đỉnh còn có một cửa hang hút gió và điều hòa không khí nên động khá là thoáng mát, không khí dễ chịu. Đó cũng là lý do mà người tiền sử đã chọn để làm nơi sinh sống. Các bạn nên chuẩn bị sẵn đèn pin, bất kỳ vật nào đó có thể phát sáng, vì càng dẫn lối vào sâu bên trong động thì càng tối, lối đi có nhiều vật cản như vũng nước, tảng đó to nhỏ, và không khí cũng sẽ hơi khó thở một chút.

Du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên khi bắt gặp một cầu thang sắt để leo lên tầng trên của động. Vị khách nào phải thật dũng cảm mới dám leo lên. Xin lưu ý một chút là nếu như các bạn cẩn thận thì khi tới động Người Xưa nên mang theo một ít hương để thăm viếng tổ tiên tỏ chút lòng thành khi đến với động.

Rời khỏi động Người Xưa, tiếp tục hành trình khám phá. Đi theo đường mòn với hàng cây cổ thụ cao vút tầm mắt tuổi đời hàng trăm năm đứng san sát vào nhau. Rồi lặng mình khi bắt gặp những hồ nước trong vắt, im lìm phẳng lặng làm cho khung cảng càng trở nên thơ mộng. Bỗng chốc giật mình vì ánh mắt nhìn trộm của ai đó, hóa ra là mấy chú Sóc nhỏ, mấy anh Vọc lăng xăng dẫn đường.

Động người xưa trong vườn quốc gia Cúc Phương

Động người xưa trong vườn quốc gia Cúc Phương

Sững sờ trước mắt, một cây đại thụ lừng lững, thân to cũng phải đến 20 người ôm mới hết, tán lá xanh tốt xum xuê – dó chính là cây Chò. Trải qua cả nghìn năm tuổi rồi mà vẫn hiêng ngang sừng xững nơi đây. Cạnh cây Chò không xa đó là động Sơn Cung, với nhiều nhũ đá đẹp đến mê người.

Có lẽ ít ai biết đến cây Sấu cổ thụ, vì địa điểm này khá mạo hiểm. Phải đi bộ quãng đường xuyên rừng khá dài, rồi bước tiếp chừng khoảng 3km đoạn đường bê tông mới tới. Cây cao khoảng 45m, hình thái rất đẹp. Từ cây Sấu đi tiếp theo con đường mòn nhỏ chừng hơn 10km là tới đến bản Mường.

Nằm bên dòng sông Bưởi mộng mơ với nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống được gìn giữ, những căn nhà sàn thấp, cao lợp bằng lá. Ngân nga đâu đó tiếng hát của cô gái Mường bên khung cửi thổ cẩm: ‘Nắng lên, cho cây cho rừng đang đung đưa đón làn sương sớm. Cho bông Klăng thắm rừng sắc hoa, đất Mường ta’!.

Đỉnh Mây Bạc là đỉnh núi cao nhất Ninh Bình, cũng là niềm kiêu hãnh giữa đại ngàn Cúc Phương. Con đường chinh phục vô cùng khó khăn với nhiều đoạn đường dốc đá. Nhưng khi lên tới nơi, bạn sẽ như lạc bước vào chốn thần tiên vì mây mù quanh năm vây trắng. Từ đây, bạn có thể nhìn bao quát toàn bộ kinh đô Hoa Lư, cảnh rừng, cánh đồng lúa vàng bát ngát, những ngôi nhà nhỏ bé xa xa…Để rồi tự thấy mình sao nhỏ bé giữa Cúc Phương.

Đọc thêm: ĐỘNG AN TIÊM - TUYỆT TÌNH CỐC

Xem thêm các bài viết về Ninh Bình ở đây.

(Bản quyền thuộc về Incredible Vietnam Tours. Cần dẫn link khi trích dẫn nội dung từ website này).

2017-11-15